Qua 2 đợt phòng chống dịch COVID-19, các cơ sở y tế hàng đầu ở Đà Nẵng đã rút ra bài học kinh nghiệm về chủ động phòng vệ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Ngay sau khi thành phố khống chế được dịch bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng chuyển sang trạng thái mới, đó là hướng đến chăm toàn diện cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị nội trú, giảm mật độ người nhà bệnh nhân tại bệnh viện.
Đây là cách làm theo xu thế mới, đồng thời cũng chủ động hơn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bà Trần Thị Tuyết, bệnh nhân ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng điều trị tại đây cho biết, những ngày đầu bà có phần bỡ ngỡ, nhưng đã dần quen với việc được nhân viên y tế chăm sóc: “Sắp tới sẽ không có gia đình chăm sóc, nhưng tôi được các y tá, bác sĩ cũng tận tình, chu đáo chăm lo. Trong thâm tâm, tôi rất cảm ơn và rất yên tâm ở đây điều trị”.
Thực hiện quy trình “Chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân điều trị nội trú” đồng nghĩa với việc các điều dưỡng phải làm thay việc của người nhà bệnh nhân. Ngoài việc chăm sóc y tế, các nhân viên bệnh viện còn phải trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cho những bệnh nhân nặng, như cho ăn uống, thậm chí thay quần áo, vệ sinh cá nhân... Để thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa người bệnh, người nhà và nhân viên y tế, Bệnh viện cung cấp số điện thoại các khoa, phòng, kết nối với người nhà để cập nhật tình trạng sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.
Điều dưỡng Phan Thế Anh, Khoa Gây mê hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Trước kia, người nhà họ cũng hay vào, ban đêm họ trợ giúp cho mình một số việc. Sau khi đại dịch bùng phát đa số công việc bây giờ nhân viên y tế mình làm hết tất cả, từ vệ sinh răng miệng đến thay băng”.

TS. BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trước khi áp dụng thực tế, Bệnh viện có 1 tháng tập huấn cho các bộ, nhân viên về quy trình chăm sóc này. Đặc biệt, người bệnh không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào cho dịch vụ này: “Chăm sóc toàn diện ở đây kể cả về thể lực, về tinh thần, về dinh dưỡng về những vấn đề khác thì bệnh viện cũng cần phải chú ý. Khi nào cần người nhà thì chúng tôi cũng phải tính toán nhưng người nhà đến khi nào và người nhà cùng với bệnh viện chăm sóc bệnh nhân như thế nào là vấn đề quan trọng chứ không phải mình nghĩ không cho người nhà vào là tốt. Theo tôi nghĩ tiếp cận ở góc độ dần dần và đa phương thức. Chúng tôi cũng mong muốn người nhà phối hợp, chia sẻ với bệnh viện trong những lúc khó khăn này để chúng ta cùng nhau vượt qua giai đoạn bệnh tật nguy hiểm này”./.
Loading...