Sau mỗi đêm bắn pháo hoa, đợi khi khách ra về lại có một nhóm bạn trẻ tay chổi, tay túi dọn rác quanh các khán đài. 10 năm qua, kể từ khi ra đời Cuộc thi Trình diễn pháo hoa Quốc tế và nay là Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng, câu chuyện rác thải, chai nhựa, túi ni lông của khách du lịch bỏ lại sau mỗi đêm diễn luôn là điều trăn trở bức xúc của nhiều người.

Các bạn trẻ mang theo những chiếc túi lớn để đi “xin rác”.
“Thường thì những cô lao công nếu không có chúng em sẽ phải dọn rác đến 2-3h sáng mới được về. Nhưng khi có bọn em rồi, thì chỉ đến 12h hoặc 12h30, các cô đã có thể về đoàn tụ với gia đình, sớm hơn một chút. Ban đầu làm việc này em thấy hơi ngại nhưng trong quá trình làm, em thấy có nhiều người lại muốn chụp hình chung với em, động viên em và họ thấy em làm như vậy sẽ đánh giá Đà Nẵng là thành phố đáng sống”, bàn Thanh Hoàng chia sẻ.
Đó là các nhóm sinh viên thuộc nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Mục đích lớn nhất là tuyên truyền, nâng cao ý thức trong việc sử dụng rác thải nhựa, nên các bạn trẻ chọn các đêm pháo hoa để tuyên truyền. Vì vậy, trong các đêm lễ hội pháo hoa, nhóm vài chục bạn trẻ phân công nhau dọn rác các khán đài, các cây cầu, nơi nhiều dân xem pháo hoa để dọn rác; đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của mỗi người.

Rác thải được thu gom vào các thùng các-tông.

Khẩu hiệu ý nghĩa trong mùa pháo hoa Đà Nẵng.
Quả thật, trước đây sau mỗi đêm pháo hoa, hàng chục tấn rác thải khắp các khán đài, trên mặt cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước khiến nơi đây như một “bãi chiến trường rác”.
Mỗi đêm ấy, các nhân viên dọn vệ sinh phải làm việc trắng đêm, sớm thì 3h sáng còn muộn phải nhá nhem sáng mới đặt chân về nhà. Năm nay, được sự chung tay của các bạn trẻ, họ đã bớt đi phần nào nỗi vất vả. Chị Kim Hạnh, nhân viên Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, năm nay, việc dọn rác đỡ hơn rất nhiều, chưa có đêm nào phải về muộn như mọi năm là nhờ các bạn trẻ tình nguyện hỗ trợ.
“Tôi cảm thấy rất xúc động. Không đợi đến khi kết thúc pháo hoa mà trước đó các em đã chia nhau ra xách thùng xốp, thùng giấy để tuyên truyền người dân nên bỏ rác vào thùng. Tôi thấy nhận thức của bạn trẻ như vậy cũng phấn khởi, cũng mừng”, chị Hạnh nói.
Việc làm nhỏ ý nghĩa lớn, khi mỗi người cùng nhau chung tay, ý thức hơn vì một môi trường sống không rác thải./.
Thành Long/VOV-Miền Trung
Loading...